Những lần lãnh đạo thế giới vào lãnh thổ đối thủ để họp thượng đỉnh

Tổng thống Hàn Moon Jae-in (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong buổi họp báo ở Bình Nhưỡng ngày 19/9. Ảnh: Reuters

Với chuyến thăm Bình Nhưỡng tuần này, Moon Jae-in trở thành tổng thống Hàn đầu tiên thăm Triều Tiên trong hơn một thập niên. Hàn Quốc và Triều Tiên về mặt lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến 1950 – 1953 kết thúc bằng hiệp ước đình chiến chứ không phải hiệp định hòa bình.

Một trong những kết quả nổi bật trong chuyến đi của ông Moon là lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhận lời đến thăm Seoul trong năm nay. Đây sẽ là lần đầu tiên một lãnh đạo Triều Tiên vào lãnh thổ của “kẻ thù”.

Trong lịch sử thế giới đã có nhiều lần các lãnh đạo gây chú ý khi đến một nước thù địch, theo AP.

Khrushchev ở Mỹ

Năm 1959, trong thời Chiến Tranh Lạnh, Nikita Khrushchev trở thành lãnh đạo Liên Xô đầu tiên thăm Mỹ. Ông đến Washington, New York, California và Iowa, hội đàm với Tổng thống Dwight Eisenhower. Chuyến thăm của ông được kỳ vọng là sẽ làm giảm căng thẳng hay thậm chí mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ.

Tại quốc yến, Eisenhower nói: “Vì tầm quan trọng của chúng ta trên thế giới, điều quan trọng là chúng ta hiểu nhau hơn”. Khrushchev trả lời rằng tình bạn là cần thiết “bởi vì hai nước chúng ta quá mạnh và không thể cãi vã với nhau”.

Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev cùng hai phu nhân tại Nhà Trắng năm 1959. Ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev cùng hai phu nhân tại Nhà Trắng năm 1959. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, ba năm sau, hai nước lâm vào cuộc đối đầu nghiêm trọng với khủng hoảng tên lửa Cuba. Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn hạt nhân tới Cuba, chỉ cách bờ biển Florida, Mỹ hơn 150 km. Mỹ cũng bố trí tên lửa hạt nhân trên lãnh thổ các nước đồng minh ở châu Âu gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Italy.

Căng thẳng leo thang nhanh chóng tới mức đẩy Chiến tranh Lạnh đến bờ vực bùng phát thành một cuộc chiến tranh nguyên tử. Khủng hoảng được giải quyết sau khi Liên Xô và Mỹ đạt được thỏa thuận, bao gồm yêu cầu Mỹ không xâm lược Cuba và hai bên rút các hệ thống tên lửa về.

Sadat ở Israel

Sau khi Israel được thành lập năm 1948, nước này và Ai Cập là kẻ thù trong một loạt xung đột. Khi Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đến thăm Israel vào năm 1977, chuyến đi báo hiệu một khởi đầu mới sau nhiều thập niên thù địch và chỉ 4 năm sau một cuộc chiến. Sadat mang đến một đề nghị hòa bình mang tính lịch sử và phát biểu trước quốc hội Israel.

Không phải ai cũng hoan nghên chuyến thăm này. Lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi khi đó nói rằng Ai Cập “sẽ được nhận về một xác chết”.

Chuyến thăm của ông Sadat đã mở đường cho hiệp đình hòa bình Camp David được ký tại Washington năm 1979 nhưng lãnh đạo Ai Cập chỉ sống được đến năm 1981 vì bị ám sát bởi các chiến binh Hồi giáo trong nước tại Cairo.

Nixon ở Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Richard Nixon (phải) gặp Chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh năm 1972. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon (phải) gặp Chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh năm 1972. Ảnh: AFP.

Năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon thực hiện chuyến đi được đánh giá là lịch sử để gặp lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đến Trung Quốc, kết thúc 25 năm không liên lạc, không có quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Mỹ và Trung Quốc còn là kẻ thù trong Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, khi Mỹ dẫn đầu lực lượng Liên Hợp Quốc hậu thuẫn Hàn Quốc còn quân chí nguyện Trung Quốc hỗ trợ Triều Tiên.

Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng để hai nước tiến tới bình thường hóa quan hệ vào năm 1979. Nixon gọi chuyến thăm 7 ngày này là “một tuần thay đổi thế giới”.

Các chuyến thăm Bình Nhưỡng

Năm 2000, Kim Jong-il, người cha quá cố của lãnh đạo Triều Tiên đã tươi cười bắt tay Tổng thống Hàn Kim Dae-jung tại sân bay ở Bình Nhưỡng. Hai bên đồng ý tiếp tục chương trình đoàn tụ gia đình ly tán sau chiến tranh và các dự án kinh tế chung.

Năm 2007, Kim Jong-il gặp Roh Moo-hyun, người kế nhiệm của Kim Dae-jung. Ông Roh đến Bình Nhưỡng bằng đường bộ, đi qua Khu Phi quân sự chia cách hai miền bán đảo. Họ đồng ý theo đuổi một hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, nhưng hầu hết dự án đều bị hoãn lại và quan hệ hai bên suy giảm sau khi Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa.

Sau cuộc họp thượng đỉnh tuần này, lãnh đạo Hàn – Triều đã ra tuyên bố chung, cam kết đưa bán đảo Triều Tiên trở thành khu vực không có vũ khí hạt nhân. Kim Jong-un hứa sẽ đóng cửa vĩnh viễn cơ sở phóng tên lửa và có thể đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon nếu Washington có “biện pháp tương ứng phù hợp với tinh thần” cuộc gặp Trump – Kim hồi tháng 6. Hàn – Triều cũng nhất trí biện pháp ngăn xảy ra xung đột, mở rộng chương trình đoàn tụ gia đình ly tán, xúc tiến các dự án kinh tế chung và cùng chạy đua giành quyền đăng cai Olympic 2032.

Dù nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, kết quả của hội nghị thượng đỉnh vẫn có thể là cú hích cho ông Moon, người có mức tín nhiệm đã giảm xuống dưới 50% vì tình hình kinh tế trì trệ ở Hàn Quốc.

“Tôi nghĩ rằng công chúng Hàn Quốc sẽ hoan nghênh thỏa thuận chung của ông Moon và ông Kim, vì nó mở ra tương lai tốt đẹp hơn giữa hai nước về hòa bình và hòa giải và vì truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin theo hướng tích cực về cuộc họp thượng đỉnh”, Lim Jae-cheon, giáo sư tại Đại học Hàn Quốc, nói.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *