Vụ trưởng từng từ chức vì phản đối cách làm chương trình, SGK

Một vụ trưởng Vụ Tiểu học của Bộ GD-ĐT do bất đồng quan điểm trong xây dựng chương trình, sách giáo khoa tiểu học hiện hành đã làm đơn xin từ chức. Cho đến thời điểm này có thể coi đây là ‘sự kiện lịch sử’ trong tiến trình đổi mới giáo dục VN.
Đã từng có 4 bộ SGK khác nhau cho cấp tiểu học trước khi thống nhất một bộ SGK như hiện nay	 /// Ngọc Dương

Đã từng có 4 bộ SGK khác nhau cho cấp tiểu học trước khi thống nhất một bộ SGK như hiện nay

NGỌC DƯƠNG
Đã có lúc cấp tiểu học tồn tại 4 bộ SGK song song
Đầu năm 2001, Bộ trưởng GD-ĐT khi đó là ông Nguyễn Minh Hiển đã ký quyết định cho PGS-TSKH Nguyễn Kế Hào thôi giữ chức Vụ trưởng Vụ Tiểu học, chuyển về làm công tác chuyên môn tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trước khi sự việc này diễn ra, ông Nguyễn Kế Hào đã có đơn xin từ chức do bất đồng quan điểm trong xây dựng, triển khai chương trình tiểu học 2000.
Ông Nguyễn Kế Hào được bổ nhiệm chức Vụ trưởng Vụ Tiểu học từ năm 1985. Trước và trong thời gian ông làm vụ trưởng, cấp tiểu học đã tồn tại tới 4 bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau và được đánh giá rất có hiệu quả. Các địa phương căn cứ vào đối tượng học sinh (HS) cụ thể của mình để áp dụng đồng thời các bộ sách khác nhau.
Theo ông Nguyễn Kế Hào, thời đó 4 bộ SGK tồn tại song song nhưng không “phức tạp”, trái lại rất hiệu quả vì trên thực tế có nhiều đối tượng HS tiểu học khác nhau, nên cần những cách tiếp cận khác nhau. Ví dụ như sách công nghệ giáo dục là đề tài cấp nhà nước, đã định hình, đã có sản phẩm, trước khi đưa vào triển khai thì đã được nghiệm thu bởi hội đồng nghiệm thu quốc gia. Bộ GD-ĐT cho triển khai ở những nơi thuận lợi, những nơi phát triển. Bộ SGK phục vụ chương trình 165 tuần là bộ sách được chọn nhiều nhất vì đối tượng hướng đến là đại trà, SGK 120 tuần là sau này thực tế nảy sinh, Bộ phải tổ chức viết cho học sinh miền núi, nơi điều kiện dạy học còn quá chênh lệch. Còn SGK của chương trình 100 tuần là do UNICEF tài trợ để viết, dành cho đối tượng trẻ em đường phố, trẻ lang thang, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi.
Không thể chấp nhận việc Bộ GD-ĐT viết một bộ SGK
Ông Hào cũng cho rằng việc Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo viết một bộ SGK từ lớp 1 tới lớp 12 là điều không chấp nhận được. “Nhưng sở dĩ để Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn một bộ SGK đầy đủ vì có nhiều ý kiến lo lắng cho rằng đến thời điểm thực hiện chương trình SGK mới rồi mà vẫn không có đủ SGK để dạy học…?”, phóng viên nêu lý do. Ông Hào phản ứng: “Thế thì cái tư duy họ khác. Chưa có vì sao? Vì sang năm đòi phải có sách mới ngay. Mà bây giờ chương trình chưa công bố, nó không có là đúng rồi nên “anh” phải chuẩn bị trước là đúng rồi”.
Khẳng định việc có nhiều bộ SGK là tất yếu, ông Hào cũng cho rằng Bộ chỉ nên giữ vai trò thẩm định. Thẩm định rồi thì cái nào tốt đưa cho dân người ta lựa chọn. Dân là các trường, là giáo viên. Đương nhiên giáo viên thì họ phải đồng thuận với phụ huynh.

Trả lời thắc mắc của phóng viên Thanh Niên về việc thời đó ai được chọn SGK, ông Nguyễn Kế Hào khẳng định thực chất là người dùng chọn, nhưng người dùng chưa học thì biết đâu mà chọn, thì phải giáo viên/người thầy chọn.

Không muốn “vừa đá bóng, vừa thồi còi”
Theo ông Hào, 4 bộ SGK đang được vận hành rất hiệu quả nhưng chỉ bằng một phát biểu cho rằng phải thực hiện “một chương trình, một bộ SGK duy nhất”, họ đã phủ nhận tất cả thành tựu của những bộ SGK ấy.
Đầu năm 2001, “giọt nước tràn ly” khiến ông Hào viết đơn xin từ chức là quyết định mà theo ông rất phi lý của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc đó: điều động hầu hết thành viên Vụ Tiểu học làm tác giả SGK chương trình tiểu học 2000, trong đó có ông. Đây là một quyết định có tính pháp lý, đặt ông vào thế chỉ có hai cách lựa chọn, hoặc chấp hành sự phân công của Bộ, đứng tên là tác giả SGK, hoặc không chấp nhận sự ép buộc đó và ông đã chọn cách thứ hai và viết đơn xin từ chức. Ông Hào nói: “Tôi là vụ trưởng mà tham gia viết sách thì vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Lo chương trình mới lặp lại “vết xe cũ”
Ông Hào cho biết phản ứng còn là vì việc đổi mới chương trình triển khai quá gấp gáp. Trước đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết 40 về Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ngày 9.12.2000. Vì thế mà ông đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển khi đó nên ra Quốc hội xin lùi lại một hai năm, chứ chuẩn bị thế chưa được, cho ra lại thất bại. Nhưng cảnh báo của ông không được tiếp thu và việc triển khai đổi mới chương trình, SGK hiện hành vẫn được tiến hành theo đúng lộ trình đã vạch sẵn, mặc những bất cập nảy sinh.
Sau khi triển khai, đánh giá sau 3 năm thực hiện “thay sách”, việc giảm tải nội dung chương trình, SGK đã phải đặt ra một cách rất bức thiết, thậm chí còn nêu rõ vào Nghị quyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng rằng “kiên quyết giảm hợp lý nội dung chương trình học cho phù hợp với tâm sinh lý HS cấp tiểu học và THCS”. Thế rồi sau này mấy “đời” Bộ trưởng GD-ĐT nhưng cụm từ “giảm tải” vẫn được nhắc lại mãi như một nhiệm vụ then chốt.
Từ câu chuyện đổi mới chương trình, SGK hiện hành, ông Hào lại tiếp tục trăn trở và đầy âu lo cho lần đổi mới sắp tới. Ông Hào nói: “Sắp tới thay sách cũng thế, không nhất thiết một ông (ví dụ ông bộ trưởng) nói sang năm thay SGK lớp 1 thì bằng mọi giá sang năm phải bắt đầu. Hoặc giả, sang năm có thể bắt đầu, nhưng có thể nơi làm nơi không hoặc mỗi nơi làm một ít thôi, nơi nào thật chắc chắn thì làm. Nó loang dần ra, để người ta phải nhìn thấy đã. Cũng giống như câu chuyện có nhiều bộ SGK. Bảo người ta chọn sách, nhưng phải để người ta nhìn thấy sách thế nào người ta mới chọn được chứ!”.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *